Với 22 chung cư mini và 16.479 nhà trọ trên địa bàn TP Hà Nội bị yêu cầu dừng hoạt động do không đáp ứng đủ các điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, khiến không ít gia đình đang kinh doanh rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Âm ỉ nỗi lo

Sau những sự cố cháy nổ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nặng nề về tính mạng, tài sản của người dân tại các công trình chung cư mini, nhà trọ thời gian gần đây, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện cuộc tổng kiểm tra, rà soát và xử lý những cơ sở không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Chung cư mini trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chung cư mini trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo đó, đến hết tháng 6/2024 Công an TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra 36.972/36.972 cơ sở kinh doanh nhà trọ; xử phạt 3.134 trường hợp với 4.310 hành vi, phạt tiền hơn 12,83 tỷ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động; 100% chủ đầu tư đã ký cam kết thực hiện. Đối với chung cư mini, đã tổ chức kiểm tra 193 cơ sở; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 4 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động.

“Đây là cuộc tổng kiểm tra với quy mô lớn chưa từng có đối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ, chung cư mini trên địa bàn Thủ đô. Qua đó chúng tôi nhận thấy có nhiều lỗ hổng trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy của người dân, nên khi xảy ra sự cố đã không kịp thời có giải pháp ứng cứu. Hiện nay trên địa bàn Thủ đô, loại hình kinh doanh nhà ở phát triển mạnh với số lượng lớn, nên trong thời gian tới Công an TP sẽ tiếp tục siết chặt công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm nhằm bảo đảm an toàn tối đa về tính mạng, tài sản cho người dân” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho hay.

Hà Nội là một trong hai đô thị lớn nhất cả nước cùng với TP Hồ Chí Minh, hàng năm ngoài việc phải tiếp nhận một lượng lớn người dân di cư đến sinh sống, làm việc; thì TP cũng đón nhận thêm từ 200.000 – 300.000 người, là dân số gia tăng cơ học ngay tại địa bàn, nên nhà ở là một trong những vấn đề an sinh bức xúc, đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền Thủ đô.

Trong khi đó, với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho phát triển nhà ở ngày càng thu hẹp, dẫn đến giá các sản phẩm nhà ở không ngừng leo thang, vì vậy thuê trọ là giải pháp hàng đầu đối với những người thu nhập thấp (lao động tự do, sinh viên, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp…).

“Những sản phẩm giá rẻ thì thường đi kèm với chất lượng thấp, đó là thực tế. Hầu hết những khu nhà trọ mà người thu nhập thấp đang thuê ở là những công trình được xây dựng không bảo đảm về chất lượng, thiếu tiện ích dịch vụ, thiếu an toàn về công tác phòng, chống cháy nổ…

Cùng với đó là việc người dân thiếu ý thức đối với công tác bảo đảm an toàn trong sinh hoạt hàng ngày, tạo ra những nguy cơ âm ỉ đe dọa đến tính mạng, tài sản của những con người đang sinh sống tại nơi đó. Trong khi hệ thống pháp lý lại gần như “bỏ quên” quy định về công tác quản lý, vận hành đối với sản phẩm này” – Chuyên gia về quản lý đô thị, KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.

Siết chặt quản lý

Bạn Nguyễn Hải Linh – sinh viên năm thứ 2, Đại học Điện lực Hà Nội thuê một căn phòng trọ tại khu vực đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) cho biết, cách đây gần 1 tháng được chủ nhà trọ thông báo phải chuyển đi nơi khác, do cơ sở đã bị lực lượng chức năng của TP tạm đình chỉ hoạt động do không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

“Gần 1 tháng nay em đi tìm phòng trọ khắp các khu vực gần trường đang theo học để thuận tiện việc đi lại, nhưng vẫn chưa tìm được, nên đành phải chuyển đồ đạc đến ở nhờ một người bạn học cùng trường. Việc tìm phòng trọ ở thời điểm này càng trở nên khó hơn vì có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhà trọ bị buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy” – bạn Nguyễn Hải Linh chia sẻ.

Thời gian gần đây, dịch vụ kinh doanh nhà trọ nở rộ tại địa bàn Thủ đô Hà Nội, được xem là loại hình bất động sản “hái ra tiền” cho các chủ đầu tư. Những người làm kinh doanh nhà trọ không cần phải có lượng tài chính quá lớn, với nhu cầu thuê trọ rất lớn từ những người lao động tự do, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng, thậm chí cả những chuyên gia… nên chỉ cần xây dựng xong là có người đến thuê.

Đặc biệt, ngay cả trường hợp chủ đầu tư phải sử dụng vốn vay ngân hàng để kinh doanh, thì chỉ cần sau 5 – 7 tháng đưa vào vận hành cũng đã có thể xoay vòng được nguồn vốn trả nợ. Theo tính toán của các chủ nhà trọ, chỉ cần 3 – 5 năm để thu hồi lại vốn đầu tư ban đầu, sau đó cứ thế yên tâm thu lợi nhuận. Một chủ đầu tư chỉ cần quản lý khoảng 10 phòng trọ là mỗi tháng đã có thu nhập từ 30 – 70 triệu đồng.

“Ở một đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, nhu cầu về nhà ở là rất lớn, nhưng không phải người lao động nào cũng có đủ khả năng để thuê một căn hộ chung cư để ở. Họ buộc phải dồn vào những khu nhà trọ với diện tích nhỏ hơn, thậm chí là tiện ích dịch vụ kém hơn để ở. Điều này mang lại lợi ích cho cả 2 phía, chủ đầu tư và người thuê trọ. Nhưng thực tế thời gian qua, xuất phát từ công tác quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, nên hàng nghìn nhà trọ được xây dựng và vận hành mà không bảo đảm được các tiêu chí an toàn, tiện ích, phòng cháy, chữa cháy” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam – TS Nguyễn Văn Đính phân tích.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc lực lượng chức năng TP Hà Nội tiến hành cuộc tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhà trọ về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thời gian qua và cả sắp tới đây là việc cần thiết và phải làm, muộn còn hơn không sau những sự cố cháy nổ xảy ra thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phía cơ quan chức năng cần phải có giải pháp hài hòa, đúng luật nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích của các bên.

“Thời điểm hiện tại loại hình chung cư mini, nhà trọ đã phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn. Sau khi nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, chuyên gia, nhà quản lý, Bộ Xây dựng đã đưa những quy định cụ thể về việc kinh doanh các loại hình này vào Luật Nhà ở năm 2023. Hiện nay Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn thi hành, đồng thời đã có văn bản gửi các địa phương về việc tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại các cơ sở kinh doanh, siết chặt hoạt động xây dựng mới; cùng với đó là có giải pháp xử lý, khắc phục đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy để họ có thể tiếp tục được kinh doanh một cách an toàn nhất” – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay.

Rất cần các cơ quan chức năng tăng cường vào cuộc kiểm tra, xử lý loại hình nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ hoặc kết hợp kinh doanh với thuê trọ, để tuyên truyền, hướng dẫn bổ sung các điều kiện an toàn phòng, chống cháy nổ, những cơ sở nào không đáp ứng được thì kiên quyết đóng cửa không cho hoạt động. Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý Nhà nước (là Bộ Xây dựng) cũng cần sớm có Nghị định, Thông tư quy định những tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng, chi tiết, hướng dẫn thực thi và đưa hoạt động kinh doanh nhà trọ vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, giúp cơ quan chức năng ở các địa phương dễ dàng hơn trong công tác quản lý – Luật sư Trịnh Hữu Đức (Hội Luật gia Việt Nam)

(Theo Báo Kinhtếđôthị )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *